Bộ Xây dựng: Còn tâm lý sợ trách nhiệm khi gỡ khó cho bất động sản

Chiều 3/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đây là lần thứ hai Chính phủ tổ chức hội nghị về gỡ khó cho bất động sản từ đầu năm đến nay.

Hơn một năm chìm trong khủng hoảng, thị trường, doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thoát khó khăn và đang chờ những phương án hỗ trợ khả thi. Bộ Xây dựng – cơ quan tham mưu của Chính phủ về quản lý, phát triển thị trường bất động sản – cho biết qua rà soát, hầu hết vướng mắc của các dự án do địa phương chưa hiểu đúng, áp dụng pháp luật chưa đầy đủ.

Theo báo cáo gửi tới hội nghị hôm nay, Bộ Xây dựng cho biết việc tháo gỡ gặp nhiều trở ngại vì quá trình thực hiện các dự án kéo dài qua các thời kỳ, pháp lý có nhiều thay đổi. Mặt khác, một số cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, rủi ro dẫn đến đùn đẩy, né tránh, giải quyết chậm, không dám đề xuất, quyết định.

Do đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cần quán triệt đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng phải giải quyết theo nguyên tắc “khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào, cấp đó phải giải quyết; chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khi phát biểu khai mạc cũng cho rằng thị trường bất động sản có lúc thuận lợi, khó khăn, doanh nghiệp lúc lãi, lỗ, nhưng quan trọng cần phát hiện kịp thời và đưa ra giải pháp xử lý.

“Một hoặc hai hội nghị không thể giải quyết hết những tồn tại đã kéo dài hàng chục năm, song tinh thần rõ đến đâu, xử lý tới đó, khó khăn cấp nào, cấp đó tháo gỡ và các bộ, ngành, doanh nghiệp cùng nhau vào cuộc”, Thủ tướng nêu.

Những khó khăn của dự án, thị trường cũng được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề cập. Theo hiệp hội này, nhiều dự án triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất, thậm chí có trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện.

“Tổng cầu sụt giảm mạnh ở hầu hết phân khúc, nhất là nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và đất nền. Niềm tin thị trường suy giảm mạnh”, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận xét.

Khảo sát sơ bộ của hiệp hội này cho thấy, hai phần ba số doanh nghiệp gần như không phát triển dự án mới trong một năm qua. Doanh nghiệp môi giới bất động sản cắt giảm khoảng 50-70% nhân sự. Đa số các nhà đầu tư không xuống tiền vào thị trường bất động sản trong giai đoạn vừa qua.

Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, Tổ công tác của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho bất động sản 8 tháng qua đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương lớn, tiếp nhận 112 văn bản liên quan 174 dự án, trong đó xử lý nhiều kiến nghị về quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án.

Tại TP HCM, 30 nội dung tại 180 dự án nhà ở, khu đô thị và 37 kiến nghị của doanh nghiệp, người dân được Tổ công tác hướng dẫn, giải đáp. Trên cơ sở đó, thành phố tháo gỡ cho các dự án, như đầu tư xây dựng cảng trung chuyển ICD; cầu Thủ Thiêm 4, Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng của Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt; dự án xây dựng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.

Đến nay, 67 dự án bất động sản tại TP HCM được giải quyết vướng mắc, trong đó 28 dự án theo đôn đốc của Tổ công tác; 39 dự án qua rà soát của địa phương.

Tại Hà Nội, Tổ công tác hướng dẫn 20 nội dung vướng mắc của 712 dự án nhà ở, khu đô thị. Các nội dung tháo gỡ chủ yếu liên quan tới chính sách nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ, giải phóng mặt bằng. Hiện, Hà Nội đã giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu), và đang xử lý tiếp cho 293 dự án còn lại.

Với tỉnh Đồng Nai, 7 dự án bất động sản lớn của Tập đoàn Novaland, Hưng Thịnh… được Tổ công tác trực tiếp làm việc, tháo gỡ. Các vướng mắc chính của số dự án này, là quy hoạch đô thị và xây dựng do không thống nhất giữa 3 cấp độ quy hoạch. Đây là vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Đồng Nai và đang được tỉnh, các Sở địa phương tháo gỡ.

Về triển khai xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng cho biết, đã có 41 dự án với 19.516 căn được xây dựng trong 5 năm (2021-2025). Hiện 294 dự án, với quy mô xây dựng gần 288.500 căn đang triển khai.

Riêng 7 tháng đầu năm nay, có 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được khởi công, dự kiến cung cấp cho thị trường khoảng 19.853 căn trong thời gian tới.

Về vốn cho thị trường bất động sản, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5 dư nợ tín dụng với hoạt động này là 925.796 tỷ đồng. Riêng gói tín dụng cho vay 120.000 tỷ đồng, hiện có 11 tỉnh, thành phố công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện, với nhu cầu vay hơn 12.442 tỷ đồng.

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp bất động sản vẫn không dễ dàng, chủ yếu do lãi suất cao, pháp lý dự án và niềm tin thanh khoản thị trường (lãi suất thực khoảng 11-12%/năm). Lãi suất vay theo gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội quá cao (doanh nghiệp 8,7%, người mua nhà 8,2%/năm) nên chủ đầu tư và người mua nhà khó khăn.

“Việc hạ, giảm lãi suất 0,5-2% thời gian qua là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ và hệ thống ngân hàng. Song nếu rút ngắn thời gian dự án có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoản lãi suất lên tới 12-15% chi phí vốn”, báo cáo nêu.

Do đó, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là cần tăng tổng cầu và tạo nguồn cung chủ lực cho thị trường bất động sản. Hiệp hội này kiến nghị, cơ quan quản lý đẩy nhanh rà soát thủ tục pháp lý các dự án bất động sản và tháo gỡ khó khăn về thủ tục, hỗ trợ về lãi suất, phí với giao dịch bất động sản thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Anh Minh